Sướng khổ của những người có tên khác thường
Em trai của anh Kông (thường trú Ninh Bình) sở hữu cái tên Nguyễn Bảo Kiếm, còn cô em út hoành tráng hơn gọi là Nguyễn Kông Kiếm Trác.
Anh Mai Trọng A, 33 tuổi, ở Ứng Hòa, Hà Nội, không bao giờ biết đến vị trí thứ hai trong sổ điểm hay các phòng thi do cái tên độc được cụ đặt cho. Anh kể bản thân cũng không nhớ chính xác ý nghĩa cái tên của mình, chỉ nhớ mang máng cụ nói cái tên của anh là kết hợp cả tiếng Pháp và tiếng Trung, có nghĩa may mắn và thành đạt. Anh chia sẻ, suốt thời đi học, anh găp không ít chuyện dở khóc dở cười vì cái tên luôn đứng đầu trong mọi sổ điểm.
"Đi thi lúc nào cũng ngồi bàn đầu, khó mà quay ngang quay ngửa. Cô giáo chủ nhiệm nói tên tôi luôn đứng đầu, mà điểm thì luôn ở top cuối", anh A kể lại.
Ngày ra mắt bố mẹ vợ, anh nói anh tên A mà các cụ tưởng anh vui tính nói đùa. Đến khi anh giơ chứng minh thư ra mọi người mới tin. "Tôi vẫn nói với bạn bè là nhiều lúc muốn tên là B để thử cảm giác người đứng thứ hai xem thế nào, chứ lúc nào cũng đứng đầu thấy ngại", ông bố hai con hài hước chia sẻ.
Cũng vì cái tên ít người có mà anh Nguyễn Đức Kông (ở Ninh Bình) luôn bị mọi người tưởng viết sai chính tả. Hóa ra khi đặt tên cho cháu, ông của anh cố tình đặt là Kông, vì muốn cháu sau này khỏe mạnh, vạm vỡ như king kông.
Em trai của anh Kông cũng sở hữu cái tên khá lạ là Nguyễn Bảo Kiếm. Còn cô em út có cái tên "nghìn người có một", ghép từ tên của hai anh trai là Nguyễn Kông Kiếm Trác.
Anh Thanh Tú (Điện Biên) cũng từng rất ghét cái tên "đậm con gái" của mình vì không ai nghĩ anh là nam khi nghe thấy tên này. Thẻ bảo hiểm của anh bị ghi sai giới tính, một số giấy tờ khác của anh cũng từng bị ghi nhầm. Anh tiết lộ cái tên nữ tính này là do mẹ đặt, vì mẹ anh rất thích hoa thanh tú, loài hoa có màu xanh lam biếc.
Mình có đứa bạn tên Phan Bảo Trân, là nam nhưng ngày đầu vô lớp co điểm danh thi bạn đứng lên làm cả lớp ồ lên khiến bạn đỏ mặt. Khi vào đại học có thầy Nguyễn Văn Lẹo mà suốt năm năm học chúng tôi cứ tưởng thầy tên Năm vì cả trường ai cũng gọi là thầy Năm. Sau này chúng tôi mới biết là tập thể nhà trường gọi như vậy để thầy đỡ ngượng khi đứng trên bục giảng đường.
Mới vào làm quản lý sinh viên tại một trường đại học, anh Trung lần đầu biết đến những cái tên rất lạ như Sùng A Chớ, Vừng A Vàng, Sình A Dai... Anh đặc biệt nhớ tên Phạm Thị Trâm, giới tính nam.
"Khi phân phòng ký túc xá, lúc nhìn thấy cái tên này, các em sinh viên nam trong phòng nghĩ quản lý phân nhầm vì cứ đinh ninh Trâm là con gái. Khi làm giấy tờ, tôi và một số đồng nghiệp khác phải cẩn thận ghi đậm trường hợp này để tránh nhầm lẫn", anh Trung nói.
Chị Hà Thị Hài, dân tộc Mường, ở Hòa Bình, từng nằng nặc đòi bố mẹ đổi tên khi suốt ngày bị bạn bè trêu là "thi hài". Dù nhiều lần khóc lóc nhưng bố mẹ chị không đồng ý vì "đi đổi lại giấy khai sinh lâu và rườm rà nhiều thủ tục". Sau này, khi mọi người hỏi tên là gì, chị nói tên Lài, chệch đi để khỏi bị trêu. Đồng nghiệp hiện tại của chị tại nhà máy may không nhiều người biết tên thật của chị, trừ người quản lý.
Sở hữu cái tên nghe rất mỹ miều Vương Bạch Tuyết nhưng cô gái trẻ ở Thái Bình luôn cảm thấy ngại ngùng mỗi khi ai đó gọi tên mình. Bởi lẽ khi nghe tên cô, mọi người thường nghĩ tới một nàng công chúa trắng trẻo, xinh xắn, còn cô lại có làn da đen sạm và thân hình khá thô kệch. Cô vẫn còn nhớ như in ánh mắt thất vọng của mọi người, rồi những cái bụm tay cười rúc rích khi cô giáo đọc tên mình.
Làm việc tại một công ty chuyển phát nhanh, mỗi ngày chị Kim Ngân phải gửi hàng chục đơn hàng cho khách, trong đó có những cái tên khiến chị đặc biệt nhớ như Lý A Lẩu, Lò Vi Sóng, Sầm Nghi Sướng, Đồng Nghĩa Trang, Quách Tỉnh,...
Đặt tên con đúng luật theo quy định mới Theo Điều 26 Bộ luật dân sự năm 2015, có hiệu lực từ 1/2017: 1. Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. 2. Họ của cá nhân được xác định là họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu không có thỏa thuận thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp chưa xác định được cha đẻ thì họ của con được xác định theo họ của mẹ đẻ... 3. Việc đặt tên bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này. Tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ. 4. Cá nhân xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình. 5. Việc sử dụng bí danh, bút danh không được gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. |
Hãy bắt đầu tìm cho con thơ một cái tên đẹp nào:
Lưu ý: đăng nhập để lưu lại những tên mình ưng ý và sử dụng được nhiều hơn các tính năng của website!