Những cái tên trẻ em bị cấm đặt trên thế giới (Phần 1)
Mặc dù mỗi cá nhân có quyền đặt tên cho con của mình một cách tự do nhưng theo bộ luật của từng quốc gia thì sẽ có một số cái tên bị cấm đặt ở mỗi quốc gia khác nhau. Theo Business Insider, một số quốc gia có quy định nghiêm ngặt về việc đặt tên cho trẻ. Nếu không tuân thủ, những cái tên đó sẽ bị loại bỏ, cha mẹ còn có thể bị buộc nộp phạt.
🥎 Pháp
Tại Pháp, tên của em bé sẽ được xét duyệt khi cha mẹ đi làm giấy khai sinh cho con. Tòa án địa phương có thể từ chối tên đó nếu họ cho rằng tên gọi có ý nghĩa nhạo báng, dễ khiến bé gặp nhiều rắc rối sau này.
Một số tên bị cấm ở Pháp như Strawberry (Dâu tây); Prince William (Hoàng tử William); Mini Cooper (tên một loại xe)...
🥑 Đức
Đức là quốc gia khắt khe nhất trong việc đặt tên. Theo quan niệm của người Đức, cái tên phản ánh giới tính. Nếu đó là một cái tên trung tính, bố mẹ phải đặt thêm một tên phụ vào tên của đứa trẻ để mọi người biết đó là bé trai hay bé gái.
Ở Đức có những quy định nghiêm về việc đặt tên cho trẻ em. Theo đó, tên của các bé phải đảm bảo các tiêu chí như: phân biệt được giới tính, không bao hàm ý nghĩa xấu, sỉ nhục,... Ngoài ra, bố mẹ không được phép đặt cho bé cái tên nghe ngu si, không được đặt tên theo đồ vật hoặc sản phẩm.
Một số tên bị cấm như Matti, Osama Bin Laden, Adolf Hitler, Kohl, Stompie...
🥠 Iceland
Trừ trường hợp cả bố mẹ đều là người ngoại quốc, các bậc cha mẹ ở Iceland đều phải nộp tên của con mình tới Cơ quan đăng ký quốc gia trong vòng 6 tháng sau sinh. Tên đó sẽ được Ủy ban đặt tên quốc gia duyệt.
Hàng năm ở nước này có tới 50% các tên bị từ chối vì vi phạm các yêu cầu đặt tên. Tên của trẻ phải không xung đột với cấu trúc ngôn ngữ Iceland, và viết theo quy tắc chính tả thông thường ở nước này.
Nếu tên có chứa từ không nằm trong bảng chữ cái Iceland như (C, Q, W) sẽ bị loại. Những tên bị cấm ở nước này như Zoe, Harriet, Duncan, Enrique...
🥨 New Zealand
Chính quyền New Zealand có thể từ chối những cái tên nếu chúng mang tính xúc phạm, gây hiểu nhầm...
Những cái tên bị cấm như Lucifer (chúa quỷ địa ngục trong Kinh thánh), Fish và Chips (tên cá rán ăn kèm khoai tây chiên của Anh). Tuy nhiên, cái tên độc dị nhất từng được lan truyền tại New Zealand chính là "Talula Does The Hula From Hawaii" (lược dịch là: Talula nhảy Hula từ Hawaii).
Ở New Zealand, tên riêng bắt chước theo các chức danh cao quý thường bị cấm nhiều nhất. Phòng hộ tịch luôn “làm vỡ mộng” các bậc cha mẹ mong muốn đặt tên cho con là Justice (công lý), King (vua), Prince (hoàng tử), Baron (nam tước) hay Duke (công tước).
🥊 Thụy Điển
Những cái tên mang ý nghĩa nhạo báng, khó chịu, có thể gây ra hành vi phạm tội cho người khác... đều bị cấm đặt ở nước này. Cha mẹ phải đăng ký tên của con mình trong vòng 3 tháng sau khi sinh tới cơ quan chức năng. Nếu không thực hiện đúng, họ phải nộp tiền phạt theo quy định.
Đầu những năm 1990, một cặp vợ chồng người Thụy Điển đã đặt tên cho con trai họ là Brfxxccxxmnpcccclllmmnprxvclmnckssqlbb11116 (gọi tắt là B-11116). Theo Luật Đặt tên tại Thụy Điển, B-11116 chắc chắn là cái tên không qua vòng kiểm duyệt bởi nó không phù hợp và gây khó khăn cho chính người mang tên này. Sau 5 năm bé B-11116 chào đời, cặp vợ chồng này đã bị xử phạt vì chưa đổi tên phù hợp cho con. Với cá tính dữ dội thách thức chính quyền, gia đình này đã đổi tên con trai họ là... A. Tất nhiên, tên “A” không được chấp thuận vì chỉ có một chữ cái. Cặp vợ chồng này đã kiện lên tòa án và nhận lấy thất bại. Gần 30 năm trôi qua, B-11116 vẫn là cái tên nằm trong danh sách chưa được chính quyền Thụy Điển phê duyệt, nhưng bố mẹ của B-11116 có lẽ vẫn được an ủi phần nào vì tên của con trai họ đã được... Google chấp nhận, gõ search là ra kết quả ngay. Và nếu bạn đang thắc mắc phát âm cái tên dài ngoằng đó như thế nào thì xin thưa, nó chỉ đơn giản đọc là Albin mà thôi.
Một số cái tên bị cấm như Metallica, Superman (siêu nhân), Ikea, Elvis...
Những quy định nghiêm ngặt ở Thuỵ Điển còn cấm đặt tên gia đình lặp lại những tên đã đăng ký sử dụng trước đó, theo lời ông Staffan Nyström tại đại học Uppsala (Thuỵ Điển). Yêu cầu đổi họ cũng phải thông qua văn phòng sáng chế ở địa phương.
Tham khảo thêm phần tiếp theo:
Những cái tên trẻ em bị cấm đặt trên thế giới (Phần 2)